Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất có khá nhiều truyện hay. Với trẻ 4-12 tuổi thì 3 truyện cổ tích tiêu biểu sau đây nhất định mẹ nên kể cho con nghe nhé. Truyện khá ý nghĩa mà mẹ có thể mượn để chia sẻ cùng bé. Mẹ có thể dạy con điều hay lẽ phải chắc chắn sẽ rất hữu ích và hiệu quả.
1. Sự tích cái chổi – Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất
Trên cung đình có một bà đầu bếp cực kỳ khéo léo. Món ăn nào chỉ cần qua tay bà chế biến đều trở thành hương vị độc nhất, ăn một lần là nhớ mãi không quên. Vì vậy mà Ngọc Hoàng đã giao cho bà toàn quyền trông nom nhà bếp. Mặc dù khéo léo là thế, nhưng bà đầu bếp này lại có tính ăn vụng, điều mà trên thiên giới luôn cấm kỵ.
Thêm vào đó, bà còn phải lòng lão chăn ngựa rất hay uống rượu. Thế là hai người cứ thường xuyên ăn bớt đồ ăn của nhà bếp. Trong một lần Ngọc Hoàng mở tiệc đãi các vị đại thần, nhà bếp có đầy những của ngon vật lạ. Lão chăn ngựa vừa đói, vừa sẵn trong người có hơi men nên đã bốc ăn ngấu nghiến.
Khi lính hầu bưng lên, không may những món lão chăn ngựa ăn đều là những món của Ngọc Hoàng. Thấy có dấu vết ăn trước, Ngọc Hoàng tức giận, nổi cơn thịnh nộ. Bà đầu bếp và lão chăn ngựa quỳ xuống nhận tội.
Vì phạm vào điều cấm kỵ trên thiên đình nên hai người bị đày xuống trần gian làm cây chổi. Cây chổi chịu trách nhiệm quét dọn những nơi bẩn thỉu nhất, quanh năm không ngừng nghỉ. Về sau, Ngọc Hoàng thương tình, cho phép nghỉ 3 ngày trong năm, đó là vào 3 ngày Tết Nguyên Đán. Chính vì vậy mà cho đến ngày nay, nhân dân ta luôn có tục lệ kiêng quét nhà vào ngày Tết.
Câu chuyện là một sự giải thích về nguồn gốc của cây chổi và tục lệ không quét nhà vào 3 ngày Tết. Đồng thời, truyện còn phê phán thói hư tật xấu ở người là tội ăn vụng, ăn cắp. Khi lén lút làm việc xấu, chắc chắn sẽ bị phát hiện, chẳng qua là chuyện sớm hay muộn mà thôi.
Bạn thấy đấy, truyện cổ tích như trên giản dị nhưng lại có rất nhiều tác dụng. Không chỉ dừng ở việc giải thích cho sự việc hay đồ vật, truyện còn ngụ ý thói hư tật xấu nếu mắc phải chúng ta đều phải nhất định cần sửa đổi và đương nhiên phải chịu phát tương xứng. Truyện cổ tích của chúng ta là như thế, khá bình dân nhưng cũng thú vị vô cùng khi mượn để giáo dục trẻ.
2. Truyện cổ tích Sự tích Cây Huyết Dụ
Sự tích cây Huyết Dụ là một trong những truyện cổ tích Việt Nam hay nhất. Truyện mang đậm triết lý Phật giáo. Truyện khuyên răn con người nên hướng đến những việc thiện trong cuộc sống. Con người cần tránh những việc tạo ra sát nghiệp. Có như vậy, tâm hồn mới được thanh tịnh, an yên.
Truyện Sự tích cây Huyết Dụ kể về một bác đồ tể chuyên mua lợn về giết thịt đem bán. Nhà bác ở cạnh một ngôi chùa. Hằng ngày, bác đồ tể đều dựa vào tiếng chuông mai của chùa để thức dậy, sửa soạn giết lợn đem ra chợ bán. Tiếng chuông chùa đánh đều đặn đúng giờ vào mỗi sáng. Và như vậy, bác đồ tể cũng dạy không sai lệch bao giờ.
Đêm nọ, sư cụ trong chùa nằm mộng thấy một người phụ nữ dẫn theo 5 đứa con, vái lạy sư cụ cầu xin cứu mạng. Người này bảo sự cụ ngày mai hãy đánh chuông chậm lại. Mặc dù chẳng hiểu chuyện gì nhưng sư cụ vẫn dặn dò chú tiểu không cần phải đánh chuông. Cũng vì vậy mà bác đồ tể ngủ đến trưa, đã qua giờ họp chợ. Tức giận vì bỏ lỡ một buổi chợ, bác đồ tể đến chùa trách cứ sư cụ. Sau đó, sư cụ kể lại câu chuyện nằm mộng tối hôm qua. Ban đầu bác đồ tể chẳng tin. Nhưng khi về đến nhà, bác đồ tể thấy con lợn nái mua hôm qua toan giết thịt thì hôm nay đẻ được 5 con lợn con.
Vừa mừng lại vừa lo sợ, bác đồ tể suy ngẫm, nhìn đôi tay của mình đã nhuốm đầy máu của biết bao sinh mạng. Bác hối hận và cầm con dao bầu giết thịt chạy đến chùa. Bác tâm sự nỗi lòng với sư cụ. Sau đó, cắm con dao trước sân chùa, thề với Phật tổ từ nay giải nghệ. Con dao tự nhiên hóa thành một loại cây có lá đỏ như máu. Đu lá cây nhọn như mũi dao bầu. Người ta gọi là cây huyết dụ.
Truyện này rất thích hợp cho các bé mẫu giáo trở lên. Mẹ có thể mượn ý nghĩa của truyện để dạy con luôn làm việc tốt lành và yêu quý động vật.
3. Đường lên trời – Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất
Đường lên trời là truyện cổ tích của đồng bào người Dao. Truyện thể hiện được quan niệm lâu đời của người xưa, ở hiền chắc chắn sẽ gặp lành. Và hơn hết, câu chuyện còn ca ngợi những người có tấm lòng nhân hậu, tốt bụng. Họ sẵn sàng từ bỏ lợi ích của bản thân để giúp đỡ người khác.
Ngày xưa, ở một làng nọ có chàng trai làm nương rất giỏi Công việc nào chàng cũng làm nhanh hơn người khác gấp đôi, lại tốt bụng, hiền lành. Thế nhưng làm hoài mà vẫn đói rách.
Chàng quyết định tìm đường lên trời hỏi xem tại sao chàng phải sống khổ sở như vậy. Trên đường đi, chàng dừng chân nghỉ nhờ một ngôi nhà cạnh đồi núi. Biết được chuyện của anh chàng, bà chủ nhà nhờ hỏi giúp tại sao con gái của bà đã 5 tuổi mà chưa biết nói.
Chàng trai nhận lời. Sáng hôm sau tiếp tục lên đường. Đến một con sông lớn, không biết làm cách nào để qua, bỗng dưới sông xuất hiện một con thuồng luồng đen rất to. Nó nhận lời đưa anh qua sông. Và thuồng luồng nhờ anh này hỏi giúp, tại sao nó đã cõng người qua sông 18 năm trời mà vẫn chưa hóa thành rồng. Chàng trai vui vẻ nhận lời.
Anh lại tiếp tục trèo đèo vượt suối ngày đêm. Một hôm, đến khu rừng nọ, vì mệt quá mà anh đã thiếp đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy, anh phát hiện một cụ già tóc trắng như mây, da dẻ lại hồng hào khỏe mạnh. Cụ ân cần hỏi anh đang đi đâu, anh lễ phép thưa và kể đầu đuôi mọi chuyện.
Sau đó, ông cụ nói sẽ trả lời cho anh 2 điều. Anh chỉ vừa mới hỏi được chuyện của bà chủ nhà và thuồng luồng thì ông cụ biến mất. Mặc dù có hơi tiếc vì chưa hỏi được chuyện của mình nhưng anh vẫn rất vui vì đã giúp đỡ được người khác.
Trên đường quay về, đến bến sông gặp thuồng luồng, anh truyền lại lời cụ già. Thuồng luồng đưa anh qua sông, nhả ra viên ngọc như lời dặn, Rồi thuồng luồng hóa thành rồng bay về trời. Viên ngọc này mang trong người có thể hóa giải mọi bệnh tật.
Tiếp đó, đến nhà của hai mẹ con bà chủ nhà, anh truyền lời. Bà mẹ theo đó đào hũ vàng sau nhà lên. Bỗng, đứa con gái cất tiếng gọi “Mẹ ơi”. Để cảm ơn chàng trai tốt bụng, bà mẹ đã cho chàng nửa số vàng.
Nhờ đó mà anh trở nên giàu có. Về lại quê làng, anh đem vàng chia cho những người nghèo khổ. Và, anh dùng ngọc quý để chữa bệnh cho mọi người.
3 truyện cổ tích Việt Nam hay nhất vừa được chia sẻ trên đây đều chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc. Dù là xa xưa hay cuộc sống hiện đại thì những người có nhân cách cao đẹp bao giờ cũng mọi người xung quanh yêu thương, tôn trọng. Và đó còn là nền tảng để duy trì một xã hội công bằng, tốt đẹp. Những ý nghĩa này mẹ hoàn toàn có thể giải thích để giúp con hiểu. Giúp con vun đắp tính cách, lòng tốt, sự nhân hậu và nhiều điều tốt khác ở trẻ nữa.
Mỹ Lệ