Lúc mang thai vì muốn bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho bé nên nhiều chị em ăn uống quá nhiều làm cho việc cân nặng tăng lên nhanh chóng, dẫn đến thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, thừa cân khi mang thai không chỉ có hại cho sức khỏe của mẹ mà cũng gây ảnh hưởng xấu cho thai nhi.
Sau đây là chúng tôi sẽ có một vài lời khuyên hữu ích giúp các mẹ bầu hạn chế thừa cân khi mang thai, mời mọi người cùng tham khảo.
1. Giảm đồ ăn vặt
Khi mang thai các mẹ thường có cảm giác nhanh đói và cần các loại đồ ăn vặt để lấp đầy dạ dày. Tuy nhiên, việc ăn các loại đồ ăn vặt chứa nhiều chất đường, chất béo như: Bánh quy, bánh ngọt, kẹo, bánh rán… sẽ làm cho cân nặng của mẹ tăng lên nhanh chóng. Việc ăn các loại đồ ăn vặt đó không những không mang lại nhiều năng lượng hay chất dinh dưỡng cho cơ thể mẹ mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, tiền sản giật…
Thay vì ăn các loại thực phẩm nhiều đường và chất béo đó mẹ có thể ăn các loại trái cây nhiều vitamin và khoáng chất lại ít đường, ít béo như: Cam, táo, bưởi, nho, bánh mỳ, các loại hạt (bí, hạt dẻ, óc chó) hay uống nước ép trái cây thay cho nước ngọt, nước có ga.
2. Chia thành nhiều bữa nhỏ
Khi mang thai, đặc biệt vào 3 tháng đầu tiên của thai kỳ việc ăn uống sẽ trở nên khó khăn vì vậy thay vì ăn 3 bữa chính như bình thường, mẹ nên chia nhỏ bữa ăn thành 5 – 6 bữa và tương đương khẩu phần ăn của 3 bữa chính.
Việc chia nhỏ bữa ăn giúp cho mẹ tiêu hóa tốt, tránh được chứng khó tiêu, ợ hơi mà vẫn nhận được đầy đủ lượng calo và dinh dưỡng cần thiết cũng như đảm bảo nồng độ đường trong máu ổn định.
3. Ăn bữa sáng đầy đủ
Có nhiều mẹ quan niệm rằng việc ăn bữa sáng sẽ làm mẹ tăng cân. Tuy nhiên, việc bỏ ăn sáng có thể gây ra tình trạng thiếu năng lượng, mệt mỏi và làm mẹ ủ rũ trong suốt buổi sáng.
Việc ăn sáng đầy đủ bữa sáng sẽ giúp mẹ giảm cảm giác đói bụng, thèm ăn và ăn nhiều vào các bữa sau, nhờ đó hạn chế được việc tăng cân quá mức.
4. Uống đủ nước
Theo các chuyên gia y tế, trong thời gian mang thai, uống 2,5 – 3 lít nước mỗi ngày giúp mẹ bầu giảm các triệu chứng ốm nghén như buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, phù nề, táo bón. Thêm vào đó, việc uống đủ nước sẽ giúp mẹ bầu tăng cường sức khỏe, giảm được nguy cơ mắc các triệu chứng thường gặp vào cuối thai kỳ như: táo bón, trĩ, rạn da…
Đặc biệt, uống đủ nước sẽ giúp mẹ giảm bớt cảm giác mệt mỏi và nhanh đói hơn. Vì vậy, nếu mẹ đã lên kế hoạch sẵn cho việc ăn uống của mình mà vẫn cảm thấy đói, mẹ cần phải uống nhiều nước hơn nữa. Nước không chỉ quan trọng với cơ thể, với thai nhi, nó còn giúp bạn ngăn chặn được cảm giác đói và thèm ăn.
5. Tập thể dục đều đặn
Nhắc đến việc hạn chế tăng cân hay giữ gìn vóc dáng khi mang thai và sau khi sinh không thể không kể đến các bài tập thể dục hàng ngày. Việc tập luyện hàng ngày có tác dụng rất lớn đối với việc tăng cường sức khỏe, giảm cảm giác mệt mỏi, duy trì tinh thần thoải mái và kiểm soát cân nặng khi mang thai rất tốt.
Tập thể dục cũng thường giúp mẹ tăng năng lượng, cải thiện hơi thở và sức chịu đựng của bản thân. Ngoài ra thể dục đều đặn còn giúp mẹ bầu tránh tăng cân quá nhanh.
Những bài tập mẹ có thể thực hiện như bơi lội, đi bộ, yoga, kegel…
Thu Hằng