Mọc răng là bước ngoặt đầu tiên của mỗi em bé và thường bắt đầu khi các bé được 5 đến 8 tháng tuổi. Trước khi mọc răng bé sẽ có những biểu hiện cụ thể và rất cần sự quan tâm đặc biệt hơn bình thường
Vậy phương pháp chăm sóc trẻ khi mọc răng là gì? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
1. Triệu chứng mọc răng
Để nhận biết bé mọc răng mẹ có thể dựa vào một số biểu hiện như: mệt mỏi, hay quấy khóc, ít ngủ, bứt rứt khó chịu, sốt nhẹ, chảy nước dãi và hay làm nũng cha mẹ. ..
Biểu hiện dễ thấy nhất khi mọc răng là đa số trẻ đều bị chảy nước miếng nhiều do tuyến nước bọt tiết nhiều nước dãi hơn để làm mát và làm dịu nướu đang sưng lên của bé, sức bảo vệ cơ thể của trẻ cũng trở nên yếu đi làm cho trẻ dễ bị cảm, rối loạn tiêu hóa do trẻ cần dồn nhiều năng lượng cho việc mọc răng.
Trước hoặc trong khi mọc răng, trẻ thường bị sốt nhẹ và đôi khi còn kèm theo đi ngoài phân lỏng. Trước khi răng nhú lên, nướu có thể bị sưng, viêm tấy đỏ, có khi bị loét làm trẻ luôn có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Thêm vào đó, việc nướu phải nứt ra để răng mọc lên cũng gây đau cho trẻ và nếu không được vệ sinh đúng cách rất dễ làm viêm nhiễm răng miệng cho bé. Những triệu chứng khi mọc răng như trên khiến trẻ quấy khóc nhiều hơn và chán ăn, mệt mỏi, thậm chí cả sút cân.
2. Phương pháp chăm sóc trẻ mọc răng
Khi mọc răng, cơ thể bé trở nên mệt mỏi, khó chịu và cáu kỉnh hơn thường ngày nên mẹ hãy cố gắng dành nhiều thời gian chăm sóc cho trẻ để có thể không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Nướu sưng lên và đau làm bé luôn có cảm giác muốn cắn một vật gì đó. Thậm chí, có nhiều bé khi bú cũng cắn núm vú mẹ rất đau. Để hạn chế được điều này mẹ có thể cho bé cắn các vật nhẹ, mềm (như vòng mọc răng, núm vú giả bằng cao su) hay cho bé cắn một số thực phẩm được làm lạnh (ở mức độ vừa phải) như chuối, cà rốt… cũng có tác dụng trong việc dịu những cơn đau do sưng, viêm nướu và giúp bé tạm thời quên đi các cơn đau.
Nếu trong thời gian mọc răng sữa, nếu trẻ sốt tới 38,5°C trở lên và đau nhiều, mẹ có thể dùng paracetamol để hạ sốt và giảm đau, liều lượng 10-15 mg/kg cân nặng, cứ 4-6 giờ cho uống một lần. Tuy nhiên, nếu trẻ bị sốt nhẹ hơn thì mẹ không cần cho trẻ uống thuốc.
Cùng với sốt nhẹ, trẻ chảy nước bọt nhiều, thường dùng lưỡi liếm vùng nướu phía trước. Do vậy, để giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt, mẹ cần chú ý thường xuyên lau nước dãi cho bé bằng khăn mềm. Đặc biệt, sau khi ăn hoặc bú xong mẹ hãy luôn nhớ phải làm sạch nướu của bé bằng gạc hoặc vải mềm nhúng nước ấm để vệ sinh răng miệng, làm dịu cơn đau và tránh nhiễm khuẩn.
Khi mọc răng, cơ thể bé cần một lượng canxi rất lớn, do vậy mẹ cần bù đắp lượng canxi đã sử dụng bằng cách cung cấp các thực phẩm giàu canxi như: sữa, các loại đậu, cá hồi, bông cải xanh, đậu Hà Lan, ngũ cốc…
Vào thời kỳ này, hầu hết tính cách các bé sẽ thay đổi, bé trở nên hay quấy khóc, cáu gắt, lười chơi và hay đòi mẹ ẵm. Mẹ hãy nhẹ nhàng, kiên nhẫn bằng cách cho bé chơi những trò chơi thú vị hoặc cho bé chơi những đồ chơi có màu sắc bắt mắt hay phát ra âm thanh để thu hút sự chú ý và làm bé quên đi cơn đau. Vừa kể chuyện, vừa bế trẻ trên tay hay cho bé nghe những loại nhạc nhẹ nhàng… cũng là những cách hay để giúp bé nhanh chóng quên đi sự khó chịu khi mọc răng.
Mẹ cũng cần lưu ý rằng, khi thấy bé có triệu chứng đau dữ dội, sốt cao, nôn ói nhiều hãy đến nhờ sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt các bệnh viện Nhi để được điều trị kịp thời.
Khánh Hằng