Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu protein – năng lượng và các vi chất dinh dưỡng ở trẻ em dưới 3 tuổi, làm cho trẻ sút cân, chán ăn, mệt mỏi, sức đề kháng và hệ miễn dịch yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Tại Việt nam, theo điều tra của Viện dinh dưỡng quốc gia, ước tính tỷ lệ suy dinh dưỡng thể cân nặng/tuổi trẻ em dưới năm tuổi năm 2014 là 15 %, tuy đã giảm 0,3 % so với năm 2013 nhưng đây vẫn là con số đáng báo động đối với gia đình và xã hội.
Sau đây chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu một số nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết trẻ bị suy dinh dưỡng nhé!
1. Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người mẹ không có kiến thức về phương pháp nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và chăm sóc bản thân. Có rất nhiều mẹ, mất sữa, thiếu sữa thì cho trẻ ăn sữa bò pha loãng hoặc chỉ cho ăn nước cơm, nước cháo có đường. Những thức ăn đó chắc chắn không thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần cho sự phát triển về thể chất lẫn trí não của bé.
Thêm vào đó, việc cho trẻ sữa công thức hoặc những thức ăn khác quá sớm hoặc quá muộn làm cho bé không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Chẳng hạn như, cho trẻ ăn dặm quá sớm trong khi trẻ mới chỉ được 3 đến 4 tháng tuổi mà ít cho trẻ bú sẽ làm cho hệ tiêu hóa của bé làm việc quá sức, không thể hấp thụ đầy đủ được các chất. Ngược lại, nếu cho trẻ ăn dặm quá muộn trong khi nhu cầu chất dinh dưỡng rất nhiều thì sữa mẹ không còn đáp ứng đủ. Do vậy, trẻ bị đói và thiếu chất, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.
Đặc biệt, sau khi trẻ bị tiêu chảy, viêm phổi, sởi, lao, nhiễm giun sán hay các trẻ được sinh non, đẻ nhẹ cân, sinh đôi, sinh ba, trẻ có dị tât bẩm sinh như sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh…cũng là một trong những nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ.
Không chỉ có vậy, các trẻ có điều kiện sống hạn chế như: sống trong gia đình khó khăn về kinh tế, đông con, bố mẹ ly dị, dịch vụ y tế yếu kém… cũng khiến các bé không có được sự chăm sóc toàn diện, dễ thiếu chất gây ra tình trạng suy dinh dưỡng.
2. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị suy dinh dưỡng
Theo WTO có thể nhận biết 3 cấp độ suy dinh dưỡng từ nặng đến nhẹ thông qua các dấu hiệu sau:
Đầu tiên, có thể nhận biết trẻ bị suy dinh dưỡng nhẹ (suy dinh dưỡng độ I) bằng các đặc điểm sau đây: Cân nặng của trẻ còn 70-80% cân nặng của trẻ bình thường, lớp mỡ dưới da bụng mỏng nhưng trẻ vẫn thèm ăn và chưa có biểu hiên rối loạn tiêu hoá.
Tiếp theo, khi mẹ nhận thấy cân nặng của bé chỉ còn 60-70% cân nặng của trẻ bình thường, lớp mỡ dưới da của bụng, mông, chi mất đi, rối loạn tiêu hoá từng đợt, trẻ có thể biếng ăn thì đó chính là bé đã bị suy dinh dưỡng trung bình (suy dinh dưỡng độ II)
Cuối cùng, suy dinh dưỡng nặng (suy dinh dưỡng độ III) gồm 3 thể chính: Thể teo đét, thể phù, thể phối hợp.
Trẻ suy dinh dưỡng ở thể teo đét có cân nặng còn dưới 60% trọng lượng của trẻ bình thường, gầy đét, da bọc xương, mất toàn bộ lớp mỡ dưới da bụng, mông, chi, má, thường xuyên rối loạn tiêu hoá, trẻ có thể thèm ăn hoặc ăn kém, tinh thần mệt mỏi, ít phản ứng với ngoại cảnh, trẻ hay quấy khóc, cơ nhão, ít muốn vận động.
Còn các bé ở thể phù thường có cân nặng chỉ còn 60-80% trọng lượng của trẻ bình thường. Trẻ bị phù từ từ, xuất hiện từ ở chân rồi đến mặt sau đó phù toàn thân,. Lúc này, da của bé bị khô, trên da có thể lúc đầu là những chấm đỏ rải rác, lan to dần rồi tụ lại thành những đám màu nâu sẫm, sau vài ngày bong ra để lại lớp da non rỉ nước, dễ nhiễm trùng ở bẹn, đùi. Mặt khác, lúc này tóc bé thưa, dễ rụng, màu hung đỏ, móng tay mềm dễ gẫy, trẻ ăn kém, nôn trớ, ỉa phân sống lỏng có nhày mỡ, trẻ hay quấy khóc, cơ nhẽo, kém vân động.
Các bé bị suy dinh dưỡng ở thể phối hợp có cân nặng chỉ còn dưới 60% trọng lượng của trẻ bình thường, người gầy đét, da bọc xương, má tóp, phù ở mu bàn chân, có thể có mảng sắc tố, trẻ kém ăn, hay bị rối loạn tiêu hoá.
Theo các nghiên cứu, tất cả trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng thường có thêm các triệu chứng thiếu các loại vitamin, nhất là vitamin A, thiếu máu, dẫn đến khô mắt, loét giác mạc, nổ con ngươi lòi thuỷ tinh thể và thuỷ tinh dịch gây mù loà vĩnh viễn.
Hoàng Ngân