Cách nuôi dạy con của các bà mẹ Nhật Bản từ trước tới nay luôn khiến các bà mẹ trên thế giới ngưỡng mộ bởi sự thông minh, tinh tế và nghiêm khắc. Ngay cả trong việc chọn đồ chơi các bà mẹ Nhật cũng thể hiện rất rõ sự thông minh, kỹ lưỡng đó.
Bây giờ chúng ta hãy cùng tham khảo một số tiêu chí chọn đồ chơi của các bà mẹ Nhật nhé!
1. Chọn những món đồ chơi đạt các yêu cầu cơ bản
– Có thể tạo nên sự gắn kết giữa bé – bố mẹ, anh chị em, bạn bè… trong quá trình chơi. Điều này giúp cho bé có thể cải thiện được khả năng giao tiếp, nâng cao tinh thần đoàn kết, chia sẻ ở bé. Ngoài ra, bố mẹ có thể trò chuyện nhiều hơn với trẻ, khuyến khích trẻ bộc lộ cảm xúc, tình cảm của mình với mọi người xung quanh.
– Tăng cường khả năng tập trung, kích thích sự sáng tạo: thông thường khi lựa chon những món đồ chơi các bà mẹ Nhật sẽ chú ý nhiều tới màu sắc, hình dáng, kích cỡ để xem có phù hợp với sở thích của con. Những món đồ chơi hấp dẫn có thể khiến trẻ hứng thú chơi, khám phá và không ngừng sáng tạo với món đồ chơi đó.
– Góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, hoàn thiện nhân cách: Những món đồ tự chế có thể do bố mẹ làm cho bé hoặc cùng bé làm không chỉ đơn giản, tiết kiệm mà còn tạo nên sự gắn kết gia đình, cảm giác được yêu thương, quan tâm. Từ đó giúp bé biết bao dung, quan tâm, chăm sóc mọi người xung quanh hơn.
2. Lựa chọn đồ chơi theo lứa tuổi
Mỗi một giai đoạn phát triển khác nhau, các bé cũng có nhu cầu chơi đồ chơi khác nhau. Ví dụ như khi trong giai đoạn sơ sinh từ 1-3 tháng tuổi, bé thích các đồ chơi đơn giản, chỉ cần có thể cầm, nắm, sờ được nhưng khi càng lớn các bé càng thích những món đồ có màu sắc, âm thanh, hình dạng cuốn hút; lớn hơn nữa thì thích các món đồ đòi hỏi sự quan sát, khéo léo và mang tính phức tạp hơn.
Vì vậy, việc lựa chọn được một món đồ chơi phù hợp không chỉ giúp cho bé hứng thú hơn, tránh cảm giác nhàm chán mà còn phù hợp với việc nhận thức và giáo dục ở mỗi giai đoạn khác nhau của trẻ.
3. Chọn đồ chơi có cách sử dụng linh hoạt
Việc chọn đồ chơi có nhiều cách sử dụng giúp cho mẹ có thể tiết kiệm được một khoản chi phí đồng thời kích thích được sự sáng tạo trong lúc chơi. Chẳng hạn như bé có những miếng ghép hình, khi mẹ chơi trò buôn bán cùng bé, mẹ có thể khuyến khích các bé sử dụng miếng ghép đó để làm thành tủ, kệ để trưng bày hàng hóa. Như vậy những miếng ghép đó không chỉ đơn thuần để ghép thành các mô hình cố định như ban đầu nữa mà còn có thể áp dụng vào nhiều trò chơi khác nhau.
4. Số lượng đồ chơi
Có nhiều bậc cha mẹ vì muốn tập trung cho con đến các đồ chơi phát triển trí tuệ mà mua cho con rất nhiều những món đồ chơi phức tạp, đắt tiền. Tuy nhiên, ở lứa tuổi thiếu nhi, các bé thường “cả thèm chóng chán” nhất là những thứ mang tính phức tạp quá mức. Vì vậy, không nhất thiết phải mua thật nhiều đồ chơi và tập trung những loại đắt tiền, bố mẹ chỉ cần chọn ra cho bé vài món có giá trị để bé chơi, khám phá và giữ gìn những món đồ đó. Đồ chơi nhiều quá sẽ dẫn đến tình trạng bé không biết trân trọng, giữ gìn từng món đồ mà hay vứt bừa bộn, ngay cả khi bị mất, bị hư bé cũng cảm thấy đó là điều bình thường vì cứ nghĩ rằng mất cái này sẽ có cái khác.
Ngoài ra, chơi nhiều đồ chơi cũng sẽ làm các bé mất tập trung dẫn đến đồ chơi không phát huy được hiệu quả giải trí và nâng cao trí tuệ của nó.
5. Đồ chơi an toàn cho trẻ
Các bà mẹ Nhật luôn cẩn thận trong việc lựa chọn các đồ chơi có chất liệu an toàn, không chứa chất độc hại cho con mình như gỗ, giấy, vải mềm…Tất cả các đồ chơi cho trẻ em phải có nhãn hiệu đầy đủ, uy tín, đã qua kiểm định và được phép lưu hành trên thị trường.
Thùy Linh