Mang thai 36 tuần là khoảng thời gian mẹ đang phải đối mặt với những cơn đau do co thắt chuyển dạ và chuẩn bị tinh thần chào đón bé yêu ra đời trong một vài tuần tới.
Sự phát triển của thai nhi trong tuần 36
Thai nhi tuần thứ 36 có cân nặng khoảng 2,8kg và dài khoảng 48cm tính từ đầu đến gót chân. Khuỷu tay, chân hoặc đầu bé lúc này có thể nổi lên trên bụng của mẹ khi bé đạp hay ngọ nguậy. Phần sợi tóc lơ thơ trên đầu của bé cũng xuất hiện dày hơn. Ở tuần này, bé yêu của bạn cũng được coi là đủ tháng, các cơ quan trong cơ thể đã hoàn thiện chức năng của mình.
Em bé của bạn lúc này cũng bớt hiếu động hơn vì bé đã quá lớn chiếm hầu hết không gian trong tử cung, đồng thời nước ối cũng đang dần giảm đi, nhưng mẹ hãy yên tâm vì thỉnh thoảng em bé vẫn nhắc nhở bạn về sự có mặt của mình bằng cách đạp hoặc vươn vai đấy.
Lúc này hầu như các bé đã chúc đầu xuống dưới chỉ có vài trường hợp thai nhi ngược. Trong trường hợp này mẹ cũng có thể hỏi ý kiến bác sĩ để có thêm được lời khuyên của bác sĩ. Nếu mẹ chuyển dạ bây giờ thì cũng không nên lo lắng quá vì phổi của bé có thể đã đủ khả năng để thích ứng được với cuộc sống bên ngoài.
Sự thay đổi của mẹ trong tuần 36
Trong tuần này, mẹ cũng có thể nhận thấy cơ thể dường như đã gia tăng hết cỡ, tử cung đã mở rộng gấp 1.000 lần so với lúc ban đầu và chạm tới tận xương sườn đồng thời mẹ cũng có cảm giác chiếc bụng không còn một khoảng trống nào và không thể nào to thêm được nữa.
Lúc này, mẹ cũng cảm thấy sự gia tăng tiết dịch âm đạo. Nếu mẹ thấy ra nhiều đốm máu to hơn hoặc chảy máu thì hãy gọi bác sĩ ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Các triệu chứng mẹ thường gặp ở tuần 36
Mẹ vẫn tiếp tục bị phù nề do cơ thể mẹ vẫn tích nước ở tuần 36 đồng thời do chứng giãn tĩnh mạch ở thời kỳ mang thai nên các nốt đỏ tím và chuột rút vẫn chưa biến mất.
Những cảm giác chóng mặt hay tê buốt cổ tay, cổ chân vẫn xảy ra ở mẹ bầu do thai nhi trong bụng quá to, áp lực chèn lên các mao mạch, các đường gân khiến lượng máu không được lưu thông hài hòa.
Ngoài ra, các vấn đề về răng miệng như viêm lợi sẽ khiến bà bầu cảm thấy khó chịu, nhưng mẹ cũng đừng quá lo lắng vì những hiện tượng này sẽ tự biến mất sau khi bạn “ vượt cạn” được vài tuần.
Lời khuyên cho mẹ bầu
– Để giúp cho việc sinh con dễ dàng hơn thì mẹ nên tập luyện các bài tập hít thở vào các buổi chiều ở thời điểm này, đồng thời mẹ cũng nên học hỏi cách quấn tã để giúp các bé mới chào đời cảm thấy an toàn.
– Hãy thường xuyên trò chuyện với gia đình, bạn bè và những người mới sinh con để có thêm kiến thức trong việc đối mặt với kỳ sinh nở sắp tới.
– Lập danh sách những ai có thể hỗ trợ bạn khi bạn sinh con, và tìm sẵn địa điểm nơi mình sinh bé để đảm bảo ngày sinh của bạn được diễn ra thuận lợi nhất.
– Sắp xếp kế hoạch xem ai là người đưa mình đến bệnh viện và nên đến trước để làm quen với lộ trình cũng như biết được chỗ để xe, số điện thoại, thông tin cần thiết để không phải gặp rắc rối khi chuyển dạ bất chợt.
– Mẹ cũng nên quan tâm đến vấn đề sau khi sinh như việc sắp xếp ghế ngồi của em bé trên xe sao cho an toàn nhất. Tránh mượn hoặc mua một chiếc ghế đã qua sử dụng để không gây những sự cố không an toàn cho bé.
– Hãy đến bác sĩ để xác định sự hoàn thiện của chức năng phổi, xem em bé có bị suy hô hấp không và điều quan trọng là bạn nên có một chế độ ăn uống phù hợp, chuẩn bị tinh thần và sức khỏe thật tốt cho ngày chuyển dạ sắp tới.
Ngọc Loan (t/h)